Các điểm tham quan trên núi Nghĩa Lĩnh – Đền Hùng

Nguồn bài viết xác điểm tham quan trên núi Nghĩa Lĩnh của Sổ tay Thuyết minh Hướng dẫn du lịch Phú Thọ

Núi Nghĩa Lĩnh còn có tên gọi là núi Hùng. Tương truyền vào thời Hùng Vương, Vua Hùng và các Lạc hầu, Lạc tướng thường tiến hành các nghi thức tín ngưỡng cầu mưa thuận, gió hòa ngay trên núi này. Đây là ngọn núi cao nhất trong vùng, có độ cao 175m so với mực nước biển, lúc đầu dân cư địa phương gọi là núi Cả. Về sau, khi các ngôi đền được xây dựng trên núi để thờ các Vua Hùng thì nhân dân gọi là núi Hùng.

Núi Hùng nhìn từ xa giống như đầu một con rồng lớn mà mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Nỏn. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10 km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà. Từ đỉnh núi Hùng phóng tầm mắt ra xa, những dòng sông trông như những dải lụa đào bao quanh những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên chầu về Nghĩa Lĩnh. Phía Đông (bên tả) là dãy Tam Đảo trùng điệp (Thanh Long), phía nam (bên hữu) là dãy Ba Vì cao ngất (Bạch Hổ). Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội. Từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình.

Ngày nay, trên núi Hùng có các công trình thờ tự bao gồm: Cổng Đền, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, lăng mộ Vua Hùng thứ 6, đền Giếng và một ngôi chùa tên chữ là Thiên Quang thiền tự.

Cổng Đền

Cổng đền được xây dựng năm Khải Định thứ hai (năm 1917) do gia đình bà Phạm Thị Thịnh ở Hà Nội cung tiến toàn bộ tiền xây dựng.
Cổng đền được trang trí theo kiến trúc mái vòm, trên có trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt; gồm 2 tầng, cao 8,5m rộng 4,5m. Hai bên cổng có hai cột trụ, trên đỉnh đắp nổi 2 nghê chầu. Ở giữa cột trụ và cổng có trang trí tượng phù điêu 2 võ sĩ, một người tay cầm giáo, một người tay cầm rìu chiến.

Chính giữa cổng đền, trên cao là bức đại tự gồm 4 chữ: “Cao sơn cảnh hành” có nghĩa là “Núi cao đường lớn”. Bức đại tự một mặt hướng con cháu nhớ về công đức Tổ tiên, hướng về cội nguồn như núi cao sừng sững muôn đời, mặt khác cho ta thấy con đường rộng mở của tương lai dân tộc mà con đường ấy đã được các Vua Hùng xây đắp ngay từ thuở mới khai cơ lập nghiệp.

Hai bên cột trụ phía trong cổng là đôi hàng câu đối:

“Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn”

Nghĩa là:

“Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối
Lên cao nhìn rộng, trập trùng đồi núi tựa đàn con”

Hàng câu đối ở cột trụ ngoài:

“Đăng giả hệ hà tư, vạn cổ giang sơn đế tạo thủy
Giai tai do vượng khí, thiên niên thành quách úy thông gian”

Nghĩa là:

“Lên đây nhớ về cội, vạn cổ giang sơn chốn này dựng
Đẹp thay nhờ vượng khí, nghìn năm thành quách cây cỏ tốt tươi”

Đền Hạ

Theo sử sách thì Đền Hạ do dân làng Vi Cương, xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao (nay thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII).

Đền Hạ có kiến trúc kiểu chữ Nhị ), gồm hai toà Tiền bái và Hậu cung; mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m; Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa, bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật, mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn. Hậu cung Đền Hạ có ba gian, hai bên đầu đốc có đắp Hổ phù gắn chữ Thọ. Tường hậu giáp bệ thờ đắp hình “Long chầu nguyệt”. Hậu cung của ngôi đền là nơi đặt thờ các Long ngai bài vị thờ Thần núi, thờ các Vua Hùng và thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Hùng Vương thứ 18. Năm 2010, ngôi đền được đầu tư tôn tạo vững chãi, khang trang hơn.

Tương truyền đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai. Nguồn gốc thiêng liêng của 2 tiếng “Đồng bào” cũng từ đây mà ra.“Đồng bào”có nghĩa là cùng một bọc. Chính vì thế chúng ta tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, đều từ một bọc sinh ra, phải đoàn kết, chung sức chung lòng để chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc mà Tổ tiên đã gây dựng.

Chùa Thiên Quang

Di tích chùa Thiên Quang bao gồm: Chùa, Mộ tháp, Tam quan – gác chuông.

* Chùa: Chùa được xây dựng vào thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV) với tên gọi là Viễn Sơn Cổ tự. Thế kỷ XV, chùa được đổi tên là Thiên Quang Thiền tự. Tên ngôi chùa có nghĩa là ánh sáng từ trên trời chiếu rọi. Tương truyền tại nơi đây khi mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứngcó một luồng ánh sáng chiếu thẳng từ trên trời xuống.

Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI), chùa được tôn tạo lại, đến thời Tự Đức năm thứ 3 (1850), chùa được làm lại theo kiến trúc kiểu nội công, ngoại quốc. Trong kháng chiến chống Pháp chùa bị tàn phá, chỉ còn kiến trúc kiểu chữ Công. Năm 1999 – 2000 chùa được đại trùng tu giữ nguyên kiểu dáng cũ. Năm 2015 chùa được tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại bằng chất liệu bền vững, đồng thời xây dựng thêm nhà Tổ và hai dãy hành lang đặt tượng các vị La Hán. Hiện nay chùa có kiến trúc kiểu “Nội công, ngoại quốc”.
Giống với các ngôi chùa khác tại miền Bắc, chùa Thiên Quang thờ Phật theo phái Đại thừa, một thiền phái rất phổ biến tại miền Bắc. Hiện trong chùa còn lưu giữ được 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng rất tinh xảo, có giá trị cao về nghệ thuật tạo tác tượng tròn.

Trước cửa chùa có cây vạn tuế ba ngọn độc đáo, gần 800 năm tuổi. Ngày 19/9/1954, khi đến thăm Đền Hùng, Bác Hồ đã ngồi trước thềm chùa, dưới gốc cây vạn tuế để nghe đồng chí Thanh Quảng (Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương) và đồng chí Song Hào (Chính ủy Đại Đoàn quân Tiên Phong) báo cáo về tình hình Đại đoàn quân Tiên Phong và kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

* Gác chuông (Tam quan): Đây là công trình xây dựng vào thời Hậu Lê (Thế kỉ XVII). Gác chuông gồm 3 gian, 2 tầng, 8 mái. Tầng trên ở gian giữa lát sàn gỗ là nơi treo quả chuông có đường kính 0,8m, cao 1,5m, trọng lượng khoảng 1 tấn. Trên quả chuông có ghi nơi cung tiến đúc chuông: “Bính Thìn niên, Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Trong tam quan có đặt ba tấm bia chủ yếu ghi việc các cá nhân và địa phương công đức, xây dựng chùa.

* Giếng Cổ: Nằm ở phía sau đền Hạ. Tương truyền xưa kia mẹ Âu Cơ thường lấy nước ở giếng này để tắm cho 100 người con. Trước đây giếng đã bị vùi lấp, năm 2002 Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật và đã phát hiện ra dấu tích giếng cổ này. Phía trong lòng giếng có chứa nhiều phế tích kiến trúc và một số mảnh gốm các thời Trần – Lê – Nguyễn. Năm 2005, giếng được phục hồi, tôn tạo lại như hiện nay.

Đền Trung

Đền Trung có tên chữ là Hùng Vương Tổ Miếu (Miếu thờ Tổ Hùng Vương). Đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII). Thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược đã tàn phá đền. Sau này, đền được nhân dân phục hồi. Năm 1998, đền Trung được trùng tu vẫn giữ nguyên kiểu dáng chữ Nhất, một tòa, 03 gian quay về hướng Nam. Năm 2009, đền Trung được tu bổ, tôn tạo lại, kiểu dáng chữ Nhị ), hai tòa, gồm: Tiền bái và Hậu cung. Trong Hậu cung có đặt ngai, bài vị thờ Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn và các đời Vua Hùng để nhân dân hương khói phụng thờ.

Tương truyền, khu vực Đền Trung là nơi Vua Hùng thường cùng với các Lạc hầu, Lạc tướng họp bàn việc nước và ngắm cảnh núi non kỳ thú. Đây cũng là nơi Hùng Vương thứ VI đã truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu, trong cuộc thi tuyển chọn người tài kế vị. Truyền thuyết kể rằng, Vua Hùng thứ VI sau khi đánh thắng giặc Ân xâm lược, muốn tìm người tài kế vị, đã cho mời các hoàng tử lại và truyền rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem trân châu mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”. Các hoàng tử đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp nơi. Duy chỉ có hoàng tử út Lang Liêu, do mẹ mất sớm, không có người giúp đỡ nên không biết xoay sở ra sao. Một hôm Lang Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng hạt gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”.

Khi Lang Liêu dâng lên vua cha, hai loại bánh ấy được Vua Hùng rất ưng ý nên đã quyết định truyền ngôi cho chàng, đồng thời Vua Hùng đặt tên bánh hình tròn tượng trưng cho trời là bánh giày, bánh hình vuông tượng trưng cho đất là bánh chưng. Kể từ đó, mỗi khi Tết đến xuân về, trên mâm cỗ cúng Tổ tiên, dân gian thường làm hai thứ bánh này để tạ ơn Trời Đất.

Đền thượng

Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là tới đền Thượng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện”, dịch là “Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh”.
Tương truyền đây là nơi Vua Hùng thường tiến hành các nghi thức cầu tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh… Đền thờ thần của ba ngọn núi thiêng là Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn (tức là núi Hùng, núi Trọc và núi Vặn). Bên cạnh đó còn thờ Thần Lúa và đến đời Hùng Vương thứ VI, sau khi đánh tan giặc Ân, để ghi nhớ công đánh giặc cứu nước của người anh hùng, nhà vua đã cho lập miếu thờ Thánh Gióng trên đỉnh núi này. Trải qua các triều đại phong kiến, Đền Thượng luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo. Năm 2008 đền Thượng được Nhà nước cho tu bổ đồng bộ, vững chãi và khang trang như ngày nay.

Đền Thượng có kiến trúc theo kiểu chữ Vương, có ba cấp: phía trước là nghi môn, đại bái (cấp I), tiền tế (cấp II) và hậu cung (cấp III). Trong đó nghi môn được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn gồm 4 trụ lớn tạo thành ba cổng mái vòm. Chính giữa là cổng lớn; hai cửa phụ hai bên nhỏ hơn. Ở các cột trụ phía trên đắp lồng đèn, bốn mặt đắp hình tứ linh, đỉnh cột hai bên đắp nghê chầu; hai cột giữa trên đỉnh mỗi cột là bốn con phượng cách điệu; ở giữa phía trên nóc cổng có đắp hình trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”, hai bên có tượng võ sỹ. Phía trước ở chính giữa cửa đền có bức đại tự: “Nam Việt Triệu tổ”; hai bên cửa phụ có hai cuốn thư, cửa bên trái đề “Nguyệt Minh”, cửa bên phải đề “Nhật Ánh”.

Ngày 19/08/1962, Bác Hồ đã về thăm đền Hùng lần thứ hai và Người đã căn dặn lại các đồng chí Lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước, ngày nay, Nhà nước cùng với tỉnh Phú Thọ đã và đang xây dựng nhiều công trình mới nhằm quảng bá và giáo dục truyền thống yêu nước, “ăn quả nhớ người trồng cây” cho thế hệ mai sau.
* Cột đá thề: Tương truyền cột đá thề là do Thục Phán dựng lên sau khi được Vua Hùng thứ XVIII nhường ngôi báu, để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương đã trao và đời đời hương khói trông nom nơi thờ tự các Vua Hùng.

Lăng Hùng Vương

Tương truyền đây là lăng mộ của Hùng Vương thứ VI, theo lời căn dặn của nhà vua với con cháu trước khi mất: “Khi ta chết, hãy chôn ta trên đỉnh núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu”.

Xưa kia là mộ đất có mái che. Năm Tự Đức thứ 27 (1874) mộ và lăng được xây dựng lại, lăng được tôn tạo vào năm 1914 và năm 1922.

Năm 2008 được trùng tu như hiện nay.

Toàn bộ lăng có kiến trúc hình vuông, có ba cửa vòm quay theo ba mặt. Phía trên các cửa vòm đều có đắp hình hổ phù càm Thọ. Lăng có hai tầng tám mái. Các gác mái uốn cong hình đầu đao, tạo trang trí họa tiết hình rồng uốn ngược. Đỉnh lăng đắp hình “Cửu Long tranh châu”. Xung quanh lăng có tường bao, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Mộ Vua Hùng trong lăng được xây dựng hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m; có mái mui luyện. Trong lăng có bia đá ghi “Biểu chính” (lăng chính); phía trên ba mặt đều có đề: “Hùng Vương lăng” (lăng Vua Hùng).

Cửa chính của lăng có hai câu đối chữ Nôm nói lên lòng thành kính tri ân của con cháu đối với Tổ tiên:
“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về Đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ mồ ông”

Đền Giếng

Đền Giếng có tên chữ là “Ngọc tỉnh”, nằm ở phía Đông Nam chân núi. Kể từ nơi đặt Lăng mộ Vua Hùng đi xuống, qua hơn 700 bậc đá là tới đền. Tương truyền nơi đây hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa là con vua Hùng thứ 18, thường soi gương chải tóc ở Giếng Ngọc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa, trị thủy nên nhân dân đã lập đền để thờ phụng muôn đời, trong hậu cung đền hiện có tượng thờ hai bà.

Đền Giếng được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Công (工), gồm hậu cung và tiền bái kiến trúc kiểu chuôi vồ. Tiền bái có ba gian, toàn bộ khung và cánh cửa đều được làm bằng gỗ lim bền chắc, mái lợp ngói mũi. Gian đại bái có một giếng nước hình tròn, được gọi là Giếng Ngọc. Giếng sâu gần 2m, nước trong mát quanh năm. Thành giếng được làm từ một khối đá liền đục ra.
Kể từ khi được xây dựng vào thế kỷ XVIII, đến nay đền Giếng cũng đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần (1922, 1998). Năm 2010, đền Giếng đã được xây dựng lại khang trang và bền chắc hơn, nhưng vẫn giữ theo lối kiến trúc của đền cũ.
Ngày 19/9/1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, tại đền Giếng, Người đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác đã căn dặn:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Lời căn dặn của Người và hình ảnh vị lãnh tụ giản dị ngồi quây quần cùng đoàn quân trò chuyện năm nao đã được khắc ghi trên bức phù điêu đặt tại trung tâm Ngã Năm Đền Giếng, như sự nhắc nhở tới muôn đời về công đức của các Vua Hùng và quá trình giành, giữ độc lập dân tộc của các thế hệ cha ông, những người đã nằm xuống, đã lớn lên cùng những cuộc kháng chiến.

Bức phù điêu với hình tượng Bác Hồ ngồi nói chuyện với các chiến sỹ Đại đoàn 308 ngày 19/9/1954 là công trình được ghép từ 81 khối đá xanh, nặng 253 tấn, cao 7m, rộng 12m đặt trong một khuôn viên trên 4000 m2 do Bộ Quốc Phòng xây dựng vào năm 2001. Chiêm ngưỡng bức phù điêu, đọc hàng chữ nổi “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, mỗi người dân Việt Nam hành hương về Đền Hùng thấy thiêng liêng lời Bác, nhớ ơn Tổ Tiên càng khắc ghi lời căn dặn của Người: dựng nước đi liền với giữ nước.

Hàng năm, cứ đến kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ lại thành kính dâng hoa lên Người tại Bức phù điêu. Trên cả nước có biết bao nhiêu di tích, khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh! Nhưng có lẽ câu chuyện ở Đền Hùng và lời căn dặn của Người có ý nghĩa vượt mọi thời gian, không gian bởi đó là gạch nối gắn liền lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đồng thời khắc ghi giá trị lịch sử – văn hóa của vùng đất cội nguồn, tôn vinh lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, nhắc nhở các thế hệ con cháu mãi ghi nhớ về nguồn gốc “chung một tổ tiên”, càng ghi nhớ càng ra sức thực hiện lời Bác “giữ nước” trên mọi phương diện.