Ngũ Châu – khám phá vùng đất ngon miệng và đa dạng đặc sản Trung Quốc

Ngũ Châu, một vùng đất tuyệt vời tại Trung Quốc, là nơi mà bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon và trải nghiệm đa dạng các loại đặc sản. Ngũ Châu bao gồm các tỉnh Tô Châu, Quảng Châu, Hàng Châu, Quý Châu, Liễu Châu.

Khám phá vùng đất Ngũ Châu của Trung Quốc

Người Trung Quốc có một câu : “Lấy vợ ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu, uống rượu Quý Châu và chết ở Liễu Châu” , đây là một câu ca ngợi về văn hóa và địa lý của vùng Ngũ Châu,Trung Quốc. Câu nói ca ngợi vùng đất Tô Châu với sắc đẹp của phụ nữ, Hàng Châu với cảnh quan tuyệt đẹp, Quảng Châu với ẩm thực đặc trưng và Quý Châu với rượu Mao Đài được Hoàng đế Trung Hoa yêu thích, Liễu Châu có loại gỗ tên là Nam Mộc chuyên dùng để đóng quan tài,được cho là sẽ bảo quản được thi thể sau khi chết.

1. Tô Châu

Tô Châu
Tô Châu
  • Diện tích: 8.488km²
  • Dân số: 10,72 triệu người (2018)
  • Dân tộc: Hán,…
  • Hoa biểu trưng: quế hoa
  • Cây tượng trưng: long não

Tô Châu là một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, được chia thành 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Cô Tô, Hổ Khẩu, Tương Thành, Ngô Trung, Ngô Giang, Thường Thục, Thái Thương, Côn Sơn, Trương Gia Cảng và khu công nghiệp Tô Châu.

Với bề dày lịch sử lâu đời và mức độ phát triển cao, Tô Châu là nơi hội tụ vẻ đẹp của Trung Hoa cổ và không khí thành thị sôi động, thời thượng. Tô Châu là một vùng đất trù phú, được tưởng thưởng là nơi sinh ra nhiều mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc.

Tô Châu thu hút khách du lịch bởi vẻ cổ kính của nó, với những kênh rạch, cây cầu đá và cổ trần trăm tuổi. Tô Châu nổi tiếng là “thành phố của những kênh đào”, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, ngang dọc giao nhau, được ví như Venice của Trung Quốc. Ngồi trên thuyền trôi theo những con kênh lãng mạn là một trải nghiệm đáng nhớ. Nước kênh có màu xanh đục và những con kênh nhỏ được lát đá kiên cố giúp thuyền có thể đi lại dễ dàng. Khi đêm về, hai bên bờ kênh được trang hoàng những lồng đèn sáng rực chiếu xuống mặt kênh tạo nên một cảnh tượng đẹp như trong phim.

Các cổ trấn ở Tô Châu cũng giống như các cổ trấn khác của Trung Quốc, nhưng du khách vẫn muốn đến Tô Châu nhất vì đây là vùng đất của những tuyệt thế giai nhân. Cuộc sống ở đây đông đúc nhưng không quá ồn ào, những con đường đá mấp mô, nhỏ hẹp và ít phương tiện qua lại, tạo nên một không gian yên tĩnh và thơ mộng.

2. Hàng Châu

Hàng Châu
Hàng Châu
  • Diện tích: 16.847km²
  • Dân số: 10,36 triệu người (2019)
  • Dân tộc: Hán,…

Hàng Châu là thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, bao gồm:

  • Khu đô thị Hàng Châu có 10 quận, bao gồm Thượng Thành, Hạ Thành, Gia Can, Củng Thự, Tây Hồ, Tân Giang (nội thành) và Tiêu Sơn, Dư Hàng, Phú Dương, Lâm An (ngoại thành).
  • Thành phố cấp huyện Kiến Đức.
  • Hai huyện Đồng Lư và Thuần An.

Hàng Châu được xem là một trong những thành phố bình yên nhất ở Trung Quốc. Trung tâm của thành phố được xây dựng xung quanh hồ Tây, một địa điểm du lịch nổi tiếng. Hồ Tây được coi là thiên đường dưới trần, với nét đẹp cổ kính và lịch sử lâu đời, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2011.

Nằm ở phía Tây Bắc của Hàng Châu, Vườn quốc gia Xixi là một trong những nơi hiếm hoi ở thành phố vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Trấn cổ Long Môn nằm ở phía Tây Nam Hàng Châu với các công trình kiến trúc cổ được xây dựng thời nhà Minh-Thanh. Hàng Châu tựa như một bức tranh khổng lồ sống động, vừa mang vẻ đài ác kiêu sa của bậc danh môn khuê nữ, vừa ẩn chứa nét kiều diễm mềm mỏng của dân nữ xứ Giang Nam.

3. Quảng Châu

Quảng Châu
Quảng Châu
  • Diện tích: 7.434,4km²
  • Dân số: 15,31 triệu người (2019)
  • Dân tộc: Hán,…
  • Ngôn ngữ: Quảng Đông

Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, là thủ phủ của tỉnh này và được chia thành 11 quận gồm Việt Tú, Lệ Loan, Hải Châu, Thiên Hà, Bạch Vân, Hoàng Phố, Phiên Ngung, Hoa Đô, Nam Sa, Tăng Thành và Tùng Hóa.

Nằm bên bờ sông Châu Giang, Quảng Châu là một thành phố lịch sử và hiện đại với kiến trúc cổ kính và đương đại, là trung tâm giao thông và thương mại lớn của Trung Quốc. Ở Quảng Châu, có phố đi bộ Bắc Kinh nổi tiếng với nhiều quán ăn và món ăn ngon.

Quảng Đông là một trong những đặc khu ẩm thực nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm ẩm thực Quảng Châu, Triều Châu và Đông Giang. Nền ẩm thực này được hình thành từ sự kết hợp giữa các trường phái ẩm thực dân tộc Trung Hoa và phong cách ẩm thực được nhập khẩu từ phương Tây. Những món ăn như há cảo, dimsum hay đồ nướng trên đường đi đều được chế biến tinh xảo và tròn vị, hấp dẫn đặc biệt với những người mới thử.

Theo tác giả Di Li trong cuốn sách “Du ký ẩm thực Nửa vòng trái đất uống một ngụm trà”, người Trung Quốc rất khâm phục ẩm thực Quảng Đông và cách chế biến món ăn ở thành phố này phong phú và đa dạng hơn hẳn những nơi khác, tương tự như dân Huế với trình nấu ăn cầu kỳ và ngon miệng.

4. Quý Châu

Quý Châu
Quý Châu
  • Diện tích: 176,100km²
  • Dân số: 35.550.000 người (2018)
  • Dân tộc: Hán, Miêu, Bố Y, Đồng, Thổ Gia, Di, Ngật Lão, Thủy,…
  • Ngôn ngữ và phương ngữ: Quan thoại Tây Nam
  • Thủ phủ: Quý Dương

Quý Châu là một tỉnh của Trung Quốc được chia thành 9 đơn vị hành chính cấp địa khu, 88 đơn vị hành chính cấp huyện và 1543 đơn vị hành chính cấp hương. Các đơn vị cấp địa khu bao gồm:

  • Địa cấp thi gồm Quý Dương, Tất Tiết, Tuân Nghĩa, Đồng Nhân, Lục Bàn Thủy và An Thuận.
  • Châu tự trị gồm Kiềm Nam Tây, Kiềm Nam và Kiềm Đông Nam.

So với các tỉnh khác của Trung Quốc, Quý Châu là một trong những tỉnh khá nghèo với nền kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên, Quý Châu lại có nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và môi trường. Về mặt nhân khẩu học, Quý Châu có mức đa dạng cao với 37% dân số là các sắc dân thiểu số như người Miêu và người Dao.

Vùng đất này khởi đầu được tổ chức hành chính dưới thời nhà Đường với tên gọi Củ Châu. Thời Mông Nguyên, chữ “Củ” (“cái khuôn”) được đổi thành “Quý” (“cao quý, sang trọng”) để tên gọi đẹp hơn. Khu vực này trước đây từng là một tỉnh vào năm 1413 với thủ phủ trùng tên “Quý Châu” nhưng nay đã đổi thành Quý Dương.

Rượu Mao Đài Quý Châu là một sản phẩm đặc trưng của vùng đất này, chỉ có thể được sản xuất tại thị trấn Mao Đài. Tuy nhiên, do sự hạn chế về địa lý của thị trấn Mao Đài và không thể nhân rộng ra bất kỳ nơi nào khác, Mao Đài có nguồn sản phẩm rất hạn chế. Chính phủ Trung Quốc bảo vệ khu vực Mao Đài bằng cách đảm bảo không có nhà máy hóa chất nào được phép xây dựng gần dòng sông Xích Thuỷ – nguồn cung cấp nước trong quá trình chưng cất rượu Mao Đài.

Rượu Mao Đài Quý Châu là một sản phẩm của quá trình lên men tự nhiên mà không có thêm bất kỳ chất phụ gia nhân tạo nào. Ở Trung Quốc, nó đã được chứng nhận là một sản phẩm hữu cơ xanh.

5. Liễu Châu

Liễu Châu
Liễu Châu
  • Diện tích: 5.250km²
  • Dân số: 1,4 triệu người
  • Dân tộc: Hán, Miêu, Đồng,…
  • Cây biểu trưng: gừa
  • Hoa biểu trưng: hoa hồng Trung Quốc

Phân khu hành chính của Liễu Châu bao gồm 4 khu: Liễu Bắc, Liễu Nam, Ngư Phong và Thành Trung; 4 huyện: Dung An, Liễu Giang, Liễu Thành và Lộc Trại; và 2 huyện tự trị: Dung Thủy (dân tộc Miêu) và Tam Giang (dân tộc Đồng).

Cảnh quan xung quanh Liễu Châu được tạo nên bởi sự pha trộn của đồi, núi đá vôi và nhiều hệ thống hang động, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và du lịch khám phá mạo hiểm.

Trong văn hóa của người Trung Hoa, sinh tử đều quan trọng như nhau. Chết là việc lớn, do đó việc an táng sau khi chết được coi là quan trọng hàng đầu. Liễu Châu được biết đến với những chiếc quan tài tốt nhất. Những chiếc quan tài Liễu Châu còn được xuất khẩu đi nhiều nước Đông Nam Á. Theo sách “Ngư Phong văn sử”, quan tài xuất xứ từ Liễu Châu có tuổi thọ không dưới 100 năm. Loại gỗ này, thả xuống nước không chìm, chôn trong đất không mục, thơm như gỗ tuyết tùng, lại có màu đồng sẫm đầy trang nghiêm. Nghề làm quan tài vẫn còn khá phổ biến ở Liễu Châu. Chữ “quan tài” được người Liễu Châu đọc lái thành “thăng quan phát tài”, nên du khách tứ phương đến thành phố đều có ý mua một chiếc quan tài mini được thiết kế như vật trang trí về làm quà lưu niệm.