Ở Trung Quốc, nghi lễ khóc cưới là một phần trong hôn lễ của người Thổ Gia. Theo truyền thống, cô dâu phải khóc trước ngày lên xe hoa để thể hiện sự hiếu thảo, đức hạnh và trí tuệ của mình. Tiếng khóc của cô dâu cũng thể hiện sự tạm biệt cha mẹ, người thân và chúc phúc cho cuộc sống hôn nhân của chính mình.
Nghi lễ khóc cưới của người Thổ Gia
Nghi lễ khóc cưới được cho là bắt đầu từ thời Chiến Quốc (năm 475-221 TCN), khi công chúa nước Triệu bị ép gả sang nước Yên. Người mẹ của công chúa đã quỳ dưới chân, khóc lóc và cầu mong cô sớm được trở về. Từ đó, nghi thức này được duy trì và phát triển trong văn hóa của người Thổ Gia đến ngày nay.
Theo truyền thống, cô dâu phải khóc từ một đến ba tháng hoặc ít nhất một tuần trước đám cưới của mình. Càng khóc nhiều, càng to thì càng được cho là một người con gái hiếu thảo, có đức hạnh và trí tuệ. Ngược lại, nếu cô dâu không khóc hoặc khóc ít, thì làng xóm sẽ chê cười, trách mắng và có thể còn bị cha mẹ đánh đòn. Người Thổ Gia tin rằng, tiếng khóc càng nặng nề thì cuộc sống hôn nhân của cô dâu sẽ càng hạnh phúc.
Theo Phùng Thế Na, hướng dẫn viên địa phương ở tỉnh Hồ Nam, cô dâu Thổ Gia không khóc như thông thường mà có giai điệu riêng. Họ không chỉ khóc một mình mà còn có sự tham gia của mẹ, bà ngoại, cô dì và những người phụ nữ trong làng xóm.
Mỗi người đến chào tạm biệt đều tặng cho cô dâu một món quà và họ cùng nhau khóc. Nếu người đến thăm không khóc sẽ bị coi là bất lịch sự và cô dâu cảm thấy bị coi thường. Ở một số địa phương như tỉnh Hồ Nam, mẹ chồng của cô dâu đứng sau nhà để lắng nghe những giai điệu này.
Khóc cưới cũng được thực hiện theo nhiều nghi thức khác nhau. Người Thổ Gia ở tỉnh Tứ Xuyên có tục “khóc trong hội trường”. Cô dâu phải khóc mỗi ngày một giờ trong căn phòng lớn trước khi hôn lễ được cử hành. Sau khoảng 10 ngày, mẹ cô dâu sẽ cùng cô khóc và 10 ngày tiếp theo là bà ngoại.
Vào ngày cuối trước khi kết hôn, gia đình cô dâu mời thêm 9 cô gái chưa lấy chồng trong làng đến để khóc cùng như lời động viên, an ủi đối với cô dâu. Đến nửa đêm, cô dâu khóc cảm ơn và mời những người bạn của mình ăn. Sau mỗi khúc hát, đầu bếp sẽ dọn một món ăn lên bàn tiệc.
Các cô gái Thổ Gia đã học cách khóc cưới từ khi còn nhỏ. Để khóc hay hơn, họ luyện tập hát khi chăn thả gia súc trên đồng cỏ và dạo chơi bên suối. Những tiếng khóc hát hòa cùng tiếng chim vang vọng trong núi rừng đã trở thành một nét đặc trưng của đời sống văn hóa người Thổ Gia.
Ngoài những khúc hát truyền thống, các cô gái thông minh và khéo léo còn có thể thay đổi giai điệu và lời hát. Nội dung của khóc cưới cũng rất đa dạng, bao gồm khóc tổ tiên, cha mẹ, người thân, khóc chính mình và khóc bà mai. Khóc cưới cũng là tiếng lòng tiếc thương cho số phận bất hạnh của những cô dâu Thổ Gia thời phong kiến.
Ở cộng đồng người dân tộc Thổ Gia ở tỉnh Hồ Nam, cô dâu còn thực hiện nghi thức mắng bà mai. Trước đây, khi các nghi thức hôn lễ còn tồn tại, cô dâu Thổ Gia thường bị ép gả cho những người đàn ông lạ mặt nên sử dụng lời ca để oán trách và than vãn. Tuy nhiên, sau này, nghi thức mắng đã trở thành một hình thức mang lại may mắn cho người làm mai.
Trong thời đại hiện đại, tập tục khóc cưới dần bị lãng quên và biến mất ở nhiều nơi. Thay vì phải học cả trăm khúc khóc từ nhỏ và phải khóc trong vài tháng, các cô dâu hiện đại chỉ cần khóc cưới vài tiếng trước khi lên xe hoa. Tuy nhiên, ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, bạn vẫn có thể gặp những đám cưới truyền thống với tục khóc cưới độc đáo này.